A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm mới của SGK Tiếng Việt 1 và những điều lưu ý với thầy cô

Một số điểm mới về nội dung

Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về phẩm chất và năng lực nhằm hiện thực hoá mục tiêu chung của chương trình Ngữ văn: giáo dục các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; các năng lực chung như: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do tôi chủ biên chú ý hình thành năng lực đọc hiểu và viết sáng tạo bằng cách đưa nội dung đọc hiểu dạy ngay từ giai đoạn Học vần, có nội dung viết sáng tạo (viết câu, đoạn) chứ không chỉ viết kĩ thuật theo đúng yêu cầu của chương trình mới môn Tiếng Việt.

Sách đã sử dụng nhiều biện pháp và kĩ thuật biên soạn để hiện thực hoá các nguyên tắc tích hợp, giao tiếp, tích cực hoá hoạt động và kích hứng thú của học sinh. Đặc biệt, các tác giả không chỉ trình bày nội dung học tập mà cố gắng tối đa thể hiện cách học của học sinh trên từng trang sách. Phương châm biên soạn là dễ hóa thú vị hóa, bảo đảm sự thành công của học sinh ngay từ những ngày đầu đến trường.

* Điểm thú vị của sách là có giai đoạn Làm quen cho học sinh ghi nhớ đúng hình dạng chữ cái bằng cách huy động kinh nghiệm bản thân, khám phá từ các đồ vật quanh mình và tạo hình cơ thể.

Vídụ:
* Sách lựa chọn trật tự dạy vần theo nguyên tắc đưa từ nghi vấn vào sớm, tạo cơ hội cho học sinh nhanh chóng tự đọc được câu hỏi, bài tập, phát huy khả năng tự học. Sách đưa hết các vần có âm chính a và âm cuối trong tuần học Vần đầu tiên để học sinh sớm đọc được các từ nghi vấn (ai, sao, cái gì, làm gì, tại sao, thế nào, bao giờ, khi nào) là những từ công cụ để điều hành dạy học bằng câu hỏi.

Ví dụ: Đến Bài 33 (ăn – ăt), học sinh đã được học hết các vần an, at, am, ap, ang, ac, anh, ach, ai, ay, ao, au và biết cách đọc các tiếng chứa các vần này nên có thể tự đọc được các câu hỏi trong bài.

* Sách xây dựng được một hệ thống bài tập có tính "mở" để trên một vật liệu tối thiểu đạt được kết quả tối đa.

Ví dụ:

Bài tập Tạo tiếng có âm, vần vừa học Sách đưa ra mô hình tiếng mẫu để học sinh dựa vào đó tự tạo các tiếng bằng cách ghép các phụ âm đầu bất kì với vần vừa học; sau đó các em phải biết chọn được các tiếng có nghĩa (tiếng có khả năng tạo từ) trong số các âm tiết ghép được. Ví dụ khi học vần an, với chữ b, học sinh sẽ tạo ra được 5 tiếng cũng là 5 từ đơn: ban, bàn, bản, bán, bạn.
Các câu hỏi/ bài tập mở rộng vốn từ, viết, nói và nghe... đều có tính "mở" để học sinh được thể hiện ý kiến cá nhân tùy theo trình độ và kinh nghiệm của bản thân, tạo cơ hội để học sinh có những ý kiến khác nhau.

Các bài Đọc mở rộng đưa ra các yêu cầu mang tính “mở” để học sinh có thể tìm kiếm văn bản đọc mở rộng từ nhiều nguồn khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện cá nhân, nhà trường và địa phương.

* Sách có tính tích hợp cao trong các bài.

Tích hợp các hoạt động hình thành các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, đọc thành tiếng với đọc hiểu; tích hợp đọc hiểu và viết câu, đoạn,... Việc cung cấp kiến thức tiếng Việt và hình thành kĩ năng nói và nghe, viết sẽ dạy gắn chặt với kĩ năng đọc hiểu chứ không rời theo từng mạch. Phần Nói và nghe không theo hệ thống âm mà theo các chủ đề giao tiếp gắn với tình huống trong bài đọc. Vì thế, số lượng bài tập không nhiều nhưng vẫn đảm bảo phát triển đầy đủ các kĩ năng.

Ví dụ:

* Sách xây dựng được đường phát triển năng lực ở nhiều mức, phù hợp với nhiều vùng miền và đưa ra được các cách thức, kĩ thuật dạy học để tạo ra sự phát triển năng lực này một cách chắc chắn.

Ví dụ: Bài kể chuyện Quạ trồng đậu
+ Mục tiêu của bài học:
Dựa vào tranh và câu hỏi gợi ý, học sinh kể được câu chuyện ngắn Quạ trồng đậu bằng 4 – 5 câu và hiểu được kết quả, niềm vui của lao động, từ đó hình thành phẩm chất chăm chỉ.

+ Bước 1: Hướng dẫn học sinh kể theo từng tranh dựa vào câu hỏi gợi ý dưới tranh

Kết quả của bước 1 là học sinh sẽ đạt được kết quả mong đợi, nói được 4 câu: “Quạ nhặt được những hạt đầu. Quạ vùi những hạt đậu xuống đất. Những hạt đậu mọc thành cây đậu. Cuối cùng, những cây đậu mọc ra rất nhiều quả. Quạ cảm thấy rất vui.”

+ Bước 2: Hướng dẫn học sinh kể toàn bộ câu chuyện

Sau khi sử dụng kĩ thuật liên kết, học sinh sẽ đạt được kết quả mong đợi là kể được: "Một hôm, Quạ nhặt được những hạt đậu. Quạ bèn vùi chúng xuống đất. Chẳng bao lâu sau, những hạt đậu đã mọc lên thành cây đậu. Cuối cùng, những cây đậu ấy đã mọc ra bao nhiêu là quả. Quạ cảm thấy sung sướng vô cùng."

Sau khi sử dụng kĩ thuật phát triển, học sinh sẽ đạt được kết quả mong đợi là kể được: "Một hôm, Gà trống vác một túi đậu về nhà. Túi bị thủng nên những hạt đậu rơi ra ngoài. Quạ nhặt được chúng./ Quạ rất thích trồng cây. Thế là cậu ta bèn vùi những hạt đậu xuống đất./ Chẳng bao lâu sau, những hạt đậu đã nảy mầm, mọc thành những cây đậu./ Cuối cùng, những cây đậu đã mọc bao nhiêu là quả xum xuê. Nhìn thấy thế, quạ chỉ muốn nhảy lên vì vui."

Những điểm mới về hình thức

SGK Tiếng Việt 1 được biên soạn và thiết kế mới mẻ, hấp dẫn, sáng tạo về hình thức.

* Các hình vẽ liên hoàn, phản ánh được nội dung bài học. Do đó, có thể dùng hình ảnh để dạy học đa phương thức, tạo cơ hội cho học sinh dựa vào hình ảnh để thực hiện các hoạt động, giáo viên được sử dụng tối đa các phương tiện dạy học.

* Các trang sách được trình bày cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, giữa tuyến cung cấp thông tin và tuyến tổ chức hoạt động của học sinh. Các hình ảnh tươi sáng, ngộ nghĩnh và phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh lớp 1.
Ví dụ:

 

Những lưu ý với giáo viên dạy SGK Tiếng Việt lớp 1

Để bảo đảm sự thành công của học sinh ngay từ những ngày đầu đến trường, theo tôi, giáo viên cần:

1. Tương tác thân thiện, xây dựng văn hoá giữa thầy – trò, trò – trò

Điều đặc biệt phải được nhấn mạnh là giáo dục phẩm chất và những năng lực chung cho học sinh qua môn Tiếng Việt không chỉ ở nội dung dạy học mà còn thông qua phương pháp dạy học. Tư tưởng cơ bản là: Thay vì là người ban phát kiến thức, chân lí, thầy giáo sẽ là người đồng hành cùng học sinh đi tìm kiến thức, chân lí; thay vì là người đứng ngoài cuộc giao tiếp để phán xét, thầy giáo cũng đang giữ một vai trong chính cuộc giao tiếp lớn – dạy học tiếng Việt. Bởi vậy, thay vì thuyết giảng về những quy tắc ứng xử, giao tiếp văn hoá, thầy giáo phải xây dựng được hình ảnh của bản thân là một nhân vật giao tiếp mẫu mực, thân thiện, hợp tác.

2. Điều hành quá trình dạy học như là người trực tiếp tham gia những tình huống giao tiếp giả định

Trong dạy học theo hướng đổi mới, thầy giáo sẽ tạo điều kiện, hướng dẫn, gợi ý, hỗ trợ. Thầy giáo sẽ là người tham gia, tổ chức, phân tích và tư vấn... Thầy giáo cần hướng dẫn “kín đáo”, nghĩa là để học sinh không nhận thấy sự can thiệp của thầy như một người ngoài, mà như là một người tham gia vào cuộc giao tiếp. Điều này cho thấy vai trò của người dạy đã thay đổi. Chúng ta làm rõ điều này bằng cách phân tích ví dụ sau:

Khi dạy bài tập đọc "Cái Bống", để trả lời câu hỏi liên hệ của bài đọc: "Em đã làm gì giúp mẹ?", giáo viên đã gợi ý cho học sinh chơi trò chơi đóng vai: 2 học sinh được đóng vai người phỏng vấn và người được phỏng vấn, còn cả lớp ở vai xem, nghe cuộc phỏng vấn. Tình huống xảy ra là: Cả hai bạn học sinh đóng vai chỉ nhìn vào nhau, không nhìn xuống các bạn dưới lớp, mặt bạn phỏng vấn rất buồn, còn bạn được phỏng vấn nói rất bé. Giáo viên đã can thiệp một cách trực tiếp: "Tuấn Anh (tên học sinh phỏng vấn) nhìn vào các bạn, tươi lên, mặt buồn thế sao được! Lan Phương (tên học sinh được phỏng vấn) nói to lên, nói thế ai nghe được!".

Bình luận: Thay vì làm một người đứng ngoài trò chơi để phán xét, giáo viên cần phải can thiệp một cách kín đáo, cần đặt mình trong vai một nhân vật đang chơi – người ghi hình, ghi âm cuộc phỏng vấn. Và sự tác động chờ đợi lúc này sẽ là: Giáo viên dùng 4 ngón tay làm ống kính máy quay và nói với Tuấn Anh: "Tuấn Anh, nhìn lên, chuẩn bị ghi hình, tươi lên chút nữa nào!", giáo viên đóng kịch đưa micro có tay cầm dài cho Lan Phương, tay hất từ dưới lên ra hiệu tăng âm lượng để thu tiếng, mà không hô "Nói to lên".
 

3. Chỉ điều hành quá trình dạy học khi đã kết nối được với học sinh

Thầy giáo cần có những cách thức khác nhau để thu hút học sinh, cần có một hiệu lệnh báo rằng đã đến lúc phải tập trung làm việc. Lúc học sinh làm ồn, giáo viên không cố để nói to hơn, át tiếng học sinh mà phải làm điều ngược lại: đứng lặng và ra hiệu "suỵt". Hãy dùng tất cả ngôn ngữ cơ thể để học sinh nhận thấy: "Tôi đang hướng về các em" và nhớ rằng chỉ giao nhiệm vụ, nêu yêu cầu của hoạt động khi mắt đã kết nối với học sinh. Lúc giao nhiệm vụ, luôn nhìn vào mắt học sinh với ánh mắt thân thiện, khích lệ. Nguyên tắc này không cho phép thầy giáo vừa quay lưng vào học sinh vừa giao nhiệm vụ, không cho phép thầy giáo lên lớp chỉ cốt nói điều thầy định nói mà không chú ý gì đến phản ứng của học sinh. Điều này cũng không cho phép thầy giáo vội vàng giao nhiệm vụ khi học sinh chưa chuẩn bị được tâm thế đi vào cuộc giao tiếp. Điều này cũng đòi hỏi thầy giáo không chỉ dùng lời mà dùng tất cả các phương tiện ngôn ngữ phi lời: một cái nháy mắt, một ngón cái giơ lên tán thưởng, vài ba cái vỗ tay nhắc nhở phải tập trung, một bàn tay đặt nhẹ lên vai động viên... Những việc làm này cũng được chuyển giao để học sinh giao tiếp với nhau trong hoạt động nhóm.

4. Dạy học lạc quan – chú trọng vào thành công của học sinh

Để giúp học sinh vượt qua được "cửa ải" lớp 1, tạo được động cơ và hứng thú học tập cho các em, ngay từ những ngày đầu các em đến trường, thầy giáo phải biết tổ chức quá trình dạy học theo một chiến lược lạc quan: chú trọng vào mặt thành công của học sinh.

Khi học sinh lần đầu đến trường, điều quan trọng chưa phải là dạy cho các em kiến thức gì mà phải làm cho các em yêu thích việc học. Trước hết, giáo viên cần phải tạo động cơ, hứng thú học tập Tiếng Việt bằng cách cho học sinh thấy lợi ích của việc học tập, của việc học chữ: "Con mà biết chữ thì thật là thú vị. Cô có thể viết cho con lời nhắn, con có thể đọc truyện...", "Con làm được một đồ chơi đẹp, vẽ được một bức tranh đẹp, làm thế nào để mẹ và cô biết là của con. Hãy học để viết tên mình nhé!", "Và đây là căn nhà đầy đồ chơi. Chìa khoá để mở có ghi một chữ, ai biết đọc sẽ mở được ngay.", "Còn đây là một vương quốc thật diệu kì dành cho những người biết đọc, biết viết...".
Tiếp theo, thầy phải tổ chức cuộc sống ở trường thật hấp dẫn, tạo nhiều niềm vui. Mỗi học sinh mong muốn và phải là người hạnh phúc ngay hôm nay, còn chúng ta sẽ là người kém cỏi nếu mỗi giây phút tiếp xúc với chúng ta, các em không được vui sướng, hạnh phúc. Bởi vậy, thầy giáo phải thường xuyên tìm hiểu học sinh muốn việc học diễn ra như thế nào, cái gì làm các em thích, cái gì làm các em không thích.

Thầy cô dạy lớp 1 cần tập cho mình có một cách nhìn: Em học sinh nào cũng ngoan, em nào cũng giỏi, em nào cũng cố gắng. Chỉ có em này ngoan, giỏi, cố gắng nhiều hơn; em kia ngoan, giỏi, cố gắng ít hơn mà thôi. Thầy cô lớp 1 phải có một phẩm chất đặc biệt, biết cách cư xử đặc biệt với học sinh. Đó là thái độ nâng đỡ, khích lệ, thông cảm, chú trọng vào mặt thành công của các em. Đó là khả năng biết tự kiềm chế, khả năng đồng cảm với học sinh, khả năng làm việc kiên trì, tỉ mỉ. Đó là khả năng biết tổ chức quá trình dạy học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không gây căng thẳng ở học sinh.

Nhiều khi chúng ta khích lệ học sinh tích cực làm việc, giúp các em dễ dàng vượt qua khó khăn trong học tập nhờ vào cách chúng ta giao nhiệm vụ cho các em. Cùng một nhiệm vụ như nhau nhưng có cô giáo đã nêu nó lên với một vẻ mặt lạnh lùng và giọng nói ra lệnh nặng nề, còn cô giáo khác lại biết nêu lệnh của bài tập một cách hào hứng, thú vị như đặt ra trước các em một câu đố, như đưa các em vào một trò chơi. Chẳng hạn: "Nào, bây giờ các con hãy chú ý nghe đây. Cô cho rằng bài tập này hơi khó, ai mà làm được thì phải giỏi lắm đấy!". Những lời kêu gọi, thúc giục như vậy mang tính chất thân mật, bạn bè. Chúng sẽ kích thích hứng thú học của học sinh, khiến cho các em cảm thấy thoải mái, tự tin.
Thử lấy thêm một vài ví dụ: Trong giờ học vần, học sinh học rất giỏi. Hầu như cả lớp đều giơ tay xung phong phân tích cấu tạo âm tiết. Các em nói rất tự tin, nói to, rõ ràng, rành mạch, chẳng hạn như: "Thưa thầy, tiếng tuyên gồm có hai phần, phần đầu là âm tờ, phần vần là vần uyên". Trong lúc đó, thầy giáo với bộ mặt lạnh lùng và chỉ dùng hai động tác để giao tiếp với học sinh: hất tay ra hiệu cho học sinh đứng lên phát biểu và phẩy tay xuống với lệnh cộc lốc: "Ngồi xuống", không một lời khen ngợi, động viên nào cả. Cả một không khí ảm đạm bao trùm lớp học. Tình huống dạy học như vậy cũng diễn ra tương tự ở một lớp khác, nhưng ở đây không khí giờ học thật là sinh động. Trên cặp mắt các em lấp lánh niềm hạnh phúc. Có cái gì ở đây? Thật đơn giản: Cô giáo rất có tài ngợi khen. Với em nào cô cũng có lời khen riêng. Nào là "Lê Duy hôm nay đã đọc to rõ ràng", "Nhật Linh đã biết ngồi để mắt xa vở". Nào là "Bạn Hùng đã biết ngồi ngay ngắn, không chen chỗ với bạn Dũng", "Thu Hương trả lời thật chính xác",... Ngay cả khi một học sinh đọc rất chậm và nhỏ, ngắc nga ngắc ngứ, không có gì để khen về kết quả hoạt động thì giáo viên cũng cần khen thái độ: "Con đã cố gắng đọc, thế là rất tốt, nhưng cô nghĩ chúng ta sẽ phải cùng nhau đọc nhiều hơn."

Thay vì chỉ ra thật nhiều lỗi ở học sinh, giáo viên cần chú trọng vào những kết quả thành công đã đạt được, đề cao sáng tạo của học sinh. Cần phải biết tỏ ra ngạc nhiên, vui sướng, cần phải tôn trọng những sáng tạo của học sinh, dù rất nhỏ. Đừng tỏ ra rằng thầy luôn luôn đúng, chỉ có thầy là người nắm chân lí. Thầy giáo cũng cần làm cho học sinh hiểu rằng thầy cũng có thể sai lầm và cần được học sinh giúp đỡ. Lúc này lỗi của thầy sẽ kéo theo sự chuyển động tư duy của học sinh. Các em sẽ sung sướng vì được làm người đầu tiên tìm ra chân lí. Việc chú trọng vào mặt thành công của trẻ đòi hỏi chúng ta phải xây dựng các nhiệm vụ dạy học của những ngày đầu trẻ đến trường sao cho bảo đảm cho các em có những thành công chắc chắn đầu tiên chứ không phải là những thất bại cay đắng đầu tiên. Vì chỉ có thành công, niềm tự hào về thành công, cảm giác xúc động khi thành công mới là nguồn gốc thật sự của ham muốn học hỏi.

GS. TS. Lê Phương Nga

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết