A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ AN TOÀN TRẬT TỰ TRƯỜNG HỌC 2021-2022

Ngày 05/5/2022 nhà trường tổ chức chuyên đề cấp trường với nội dung tập huấn về công tác an ninh trật tự nhà trường và phổ biến giáo dục pháp luật năm 2022. Dưới đây là nội dung của buổi tập huấn:

CHUYÊN ĐỀ 1: NHẬN DIỆN XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM VÀ KỸ NĂNG PHÒNG TRÁNH

1.Thế nào là hành vi xâm hại trẻ em?

Bất kỳ hành động nào có chủ ý gây tổn thương hoặc nguy hại đến trẻ đều là hành vi xâm hại trẻ em.

Xâm hại trẻ em có 4 hình thức:

  • Xâm hại thể chất;
  • Xâm hại tình dục;
  • Xâm hại tinh thần;
  • Xâm hại xao nhãng.

Xâm hại trẻ em là vấn đề bức bối mang tính toàn cầu, xâm hại trẻ em xảy ra ở mọi quốc gia và bất kỳ đứa trẻ nào cũng có nguy cơ bị kẻ xấu xâm hại. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, và một khi đã bị tổn thương thì mức độ sang chấn để lại cả trên thể xác và tinh thần của trẻ .

2. Kĩ năng phòng tránh

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị tổn thương, bố mẹ, thầy cô nên dạy trẻ phòng chống xâm hại với 6 kỹ năng cơ bản dưới đây:

-Dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể

Nhiều bé bị kẻ xấu xâm hại trong trạng thái không tự nhận biết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề do bé quá ngây thơ và chưa có nhiều kiến thức về cơ thể của chính mình. Thế nên việc đầu tiên bố mẹ cần làm để dạy trẻ phòng chống xâm hại chính là hướng dẫn cho con biết về cơ thể của mình, đặc biệt là vùng kín của trẻ. Bố mẹ nên bắt đầu việc này càng sớm càng tốt, khi trẻ được 3 tuổi cho tới khi trẻ lớn hơn. 

Với trẻ con nhỏ, bố mẹ chưa cần giải thích quá kỹ mà nên bắt đầu dạy trẻ nhớ tên các bộ phận trên cơ thể. 

Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể dạy chuyên sâu về khu vực vùng kín, hướng dẫn cho trẻ bảo vệ khu vực này cũng như cách vệ sinh cá nhân. Đồng thời, bố mẹ cần căn dặn trẻ rằng không ai được phép nhìn hay sờ chạm vào những bộ phận này, ngoại trừ bố mẹ khi tắm cho trẻ và bác sĩ khi khám bệnh với sự có mặt của bố mẹ.

-Dạy trẻ về ranh giới cá nhân

Hãy dạy cho trẻ biết về ranh giới cá nhân và vùng nhạy cảm trên cơ thể. 

Và điều quan trọng nhất chính là: không ai được phép sờ chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ, và ngược lại, con cũng không được phép đụng chạm vào bộ phận sinh dục của người khác. Mặc dù cả 2 vế trên đều quan trọng như nhau, nhưng có rất nhiều bố mẹ chỉ dạy cho con điều thứ nhất đó là bảo vệ bản thân, nhưng lại không dạy con điều còn lại là tôn trọng cơ thể người khác. Phần lớn những vụ xâm hại tình dục trẻ em, người thực hiện không ai khác lại chính là những người bạn gần gũi của trẻ. Thế nên bố mẹ hãy đảm bảo việc dạy cho bé cả 2 điều trên nhé!

-Khuyến khích trẻ kể về hoạt động hàng ngày của chúng

Trẻ nhỏ còn ngây thơ và ít cảnh giác, thế nên không phải trẻ nào cũng đủ nhận thức để biết được tình huống nào là nguy hiểm. Thế nhưng việc đe dọa trẻ bằng cách đưa ra một loạt ví dụ về xâm hại tình dục sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy khó hiểu và sợ hãi. Thay vào đó, bố mẹ hãy gần gũi trẻ, thường xuyên tâm sự về các hoạt động hằng ngày của con. Nhờ đó, trẻ sẽ hình thành niềm tin ở bố mẹ và có thói quen tâm sự thoải mái về bất kỳ chủ đề nào trong cuộc sống. Điều này sẽ khiến cho những lời đe dọa của kẻ xấu trở nên vô ích (kẻ xấu thường dọa và cấm trẻ kể lại chuyện này cho bất cứ ai, khiến người thân của trẻ không nắm được sự việc).

-Kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm

Trẻ nhỏ thường có tâm lý ngại từ chối người khác, đặc biệt là với bạn bè hoặc những người hơn tuổi vì sợ bị ghét, sợ bị cô lập và tâm lý non yếu, dễ hoảng sợ khi bị người khác dọa nạt. Tất cả những yếu tố đó khiến trẻ trở thành đối tượng lý tưởng cho kẻ xấu thực hiện hành vi đồi bại.

Vì lý do này, bố mẹ nên dạy trẻ cách phản ứng, giao tiếp phù hợp để có thể thoát khỏi các tình huống bất lợi. Bố mẹ có thể đưa ra các tình huống giả định và hỏi xem cách xử lý của trẻ là gì, sau đó hãy hướng dẫn cho con cách xử lý tốt nhất.

-Dặn trẻ không nên giữ bí mật với bố mẹ khi bị đe dọa

Trẻ nhỏ biết rất rõ kẻ xâm hại mình là ai, thế nhưng kẻ xấu thường đe dọa trẻ với nhiều lý do, khiến cho trẻ sợ, lo lắng và giữ im lặng về chuyện này. 

Thế nên, bố mẹ cần làm công tác tư tưởng cho bé, thường xuyên tâm sự và hỏi thăm bé về các hoạt động hằng ngày để tạo niềm tin vững chắc cho con. Đồng thời hãy nhắn nhủ con rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh bảo vệ và giúp đỡ con, không bao giờ trách mắng hay trừng phạt con vì những điều mà con gặp phải. Đặc biệt, nếu con bị người xấu đe dọa, khiến con sợ hãi, hãy nói với bố mẹ để bố mẹ có thể bảo vệ con.

Bên cạnh đó, bố mẹ và trẻ cũng nên tạo ra những ám hiệu riêng để sử dụng trong những tình huống bất an, điều này đặc biệt hiệu quả và khiến trẻ cảm thấy an tâm hơn khi kẻ xấu lại chính là những người thân thuộc với gia đình.

Bố mẹ cũng cần chú ý quan sát biểu hiện của trẻ để nắm bắt tình hình, bởi đôi khi trẻ quá khép mình và sẽ không chủ động chia sẻ nếu bị xâm hại. Bố mẹ nên đặc biệt cảnh giác nếu trẻ đột nhiên tỏ ra hoảng sợ khi bị người nào đó chạm vào người, không muốn tiếp xúc và muốn tránh xa những người trước đây trẻ vô cùng yêu mến.

-Dạy trẻ đề cao cảnh giác cả với những người thân thiết

Hãy cho trẻ biết rằng bất cứ nơi đâu cũng đều có thể xảy ra nguy hiểm: tại sân chơi, ở trường học, công viên,... và bất cứ ai cũng có thể là kẻ xấu: hàng xóm, họ hàng xa, bạn bè… vì vậy, con cần cảnh giác với những người có biểu hiện, hành vi không đứng đắn và không tôn trọng con.

Người Việt có một thói quen rất xấu đó là hồn nhiên sờ chạm, cấu véo vào vùng nhạy cảm của trẻ và cho rằng đó là hành động rất đỗi bình thường để thể hiện sự quan tâm và tình cảm. Tuy nhiên, đó là hành vi xâm hại trẻ em, khiến cho trẻ khó chịu. Nếu hành vi diễn ra thường xuyên thì có thể khiến trẻ lầm tưởng rằng đó thực sự là một cách để thể hiện tình cảm, mất cảnh giác rồi trở thành nạn nhân của kẻ xấu, thậm chí trẻ có thể là người tiếp theo thực hiện hành vi này và “lan tỏa” tư duy nguy hiểm này rộng thêm. 

Chính vì thế, bố mẹ cần kiểm soát những hành động đó từ những người xung quanh để bảo vệ trẻ, đồng thời phải dặn dò con thông báo lại cho bố mẹ nếu bất kỳ ai có hành vi như vậy với con, và dạy con cách hô cầu cứu nếu cần thiết.

Được bảo vệ khỏi mọi tình huống nguy hiểm nói chung và những kẻ xâm hại nói riêng là quyền của mọi đứa trẻ. Thế nên bố mẹ cũng như nhà trường sẽ luôn đề cao cảnh giác và có trách nhiệm giáo dục trẻ các kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn này.

Để trẻ em có được môi trường vui chơi, an toàn, lành mạnh, tránh bị tổn hại về sức khỏe lẫn tinh thần, chuẩn bị hành trang tốt nhất bước và kỹ năng cho cuộc sống sau này, các bậc phụ huynh và các em cần có những kiến thức và kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em. Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ ai trong chúng ta cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ!

CHUYÊN ĐỀ 2: PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Hiện nay tình trạng bạo lực học đường liên tục xảy ra đã trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội và trở thành mối lo lắng của không chỉ các bậc phụ huynh, thầy cô giáo mà còn là nỗi lo của tất cả những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bạo lực học đường trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, phát triển phức tạp, trở thành một vấn đề nóng bỏng, nhức nhối trong xã hội. Vậy làm thế nào để phòng chống bạo lực học đường?

Bạo lực học đường là gì?

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; và mang vũ khí đến trường. 

Bạo lực xuất phát từ đâu?

Nguyên nhân đôi khi chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong giao tiếp hàng ngày như: Tranh chấp nhau đồ đạc, nói xấu nhau, tung ảnh của nhau trên mạng xã hội, hiểu nhầm nhau, đọc trộm tin nhắn của nhau cũng dẫn tới bạo lực...Bên cạnh đó, nguyên nhân còn xuất phát từ những bất ổn tâm lí trong gia đình. Một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh bố mẹ thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhau thậm chí chúng thường xuyên bị đánh đập cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực. Trong thời đại cách mạng 4.0, các em bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực từ mạng xã hội. Mạng xã hội vô tình đã định hướng ngôn ngữ và hành vi của bản thân các em.

Hậu quả của bạo lực học đường?

Gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác và tinh thần. Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành.Với những em chứng kiến sự việc. Những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy sợ hãi. Nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị trừng trị thì các sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, có thể hùa theo, cổ vũ cho hành vi đó hoặc không dám lên án, tố cáo. Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời. Đặc biệt, những đứa trẻ có hành vi bạo lực, lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ, khi lớn lên có thể mắc phải những hành vi tội ác nhiều hơn những đứa trẻ khác.

Cách phòng tránh bạo lực học đường.

Đối với học sinh:

- Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo.

- Chấp hành tốt nội quy trường lớp

-Tránh xa bạo lực. Nói không với bạo lực.

- Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí.

- Học cách kiềm chế cảm xúc.

- Tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.

Đối với nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục:

- Tổ chức tuyên truyền tác hại và cách phòng tránh bạo lực học đường đối với giáo viên và học sinh.

- Thực hiện dạy tích hợp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, tổ chức các trò chơi lành mạnh tăng sự gắn kết, tình cảm của các em.

- Phối hợp với gia đình và cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn xã trong công cuộc phòng tránh bạo lực học đường.

- Nâng cao nhận thức của học sinh về truyền thống dân tộc, nhân cách, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật. Hoạt động này khá đa dạng như thành lập tổ tư vấn tâm lí, giáo dục thông qua các giờ học, giờ sinh hoạt lớp, mời chuyên gia tâm lí.

-  Giáo viên thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của các em học sinh,  có  biện pháp can ngăn giáo dục kịp thời đối với hiện tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực đối với học sinh. Phối hợp với gia đình và nhà trường để quan tâm và hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc của học sinh.

- Việc xử lý học sinh vi phạm pháp luật, bạo lực học đường chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh sửa chữa sai lầm trở thành công dân có ích cho xã hội. Đối với những học sinh vi phạm pháp luật, có hành vi xấu cần được xử lý nghiêm minh.

* Đối với gia đình:

- Bố mẹ cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái

- Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học. Dù là giáo viên, phụ huynh hay học sinh đều phải có trách nhiệm trong việc phòng chống bạo lực học đường. Mỗi Học sinh cần phải biết kiềm chế để không nổi nóng, biết nhận lỗi khi mình làm sai và có lòng vị tha. Như vậy mới có thể nói không với bạo lực học đường.

CHUYÊN ĐỀ 3: LUẬT AN NINH MẠNG

1. Tại sao phải ban hành Luật An ninh mạng?

- Không gian mạng là lĩnh vực mới, tác động sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội. Các hành vi trên không gian mạng có thể xâm hại tới độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” của tội phạm mạng. Từ khi mạng internet xuất hiện, đã tạo ra nhiều lợi ích cho con người. Tuy nhiên, cũng mang lại những thách thức to lớn. Không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” cho loại tội phạm mới: Tội phạm mạng.

- Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong nhóm 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma (máy tính kết nối internet bị hacker, nhiễm virus máy tính…).

- Hậu quả của việc mất an ninh mạng để lại nhiều hệ lụy phức tạp, ví dụ như: website cảng hàng không bị tin tặc tấn công ảnh hưởng tới hoạt động điều hành bay và đe dọa an toàn bay; tài khoản ngân hàng của khách hàng bị đột nhập và rút hết tiền; sử dụng mạng xã hội để đăng, phát thông tin sai trái, bịa đặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức….

- Để đảm bảo an ninh mạng ngoài giải pháp kỹ thuật, cần phải có hành lang pháp lý cụ thể. Giải pháp kỹ thuật hiện nay không đủ để đối phó với tấn công mạng hiện đại, do trách nhiệm pháp lý chưa cụ thể, rõ ràng; biện pháp của các cơ quan chức năng chưa chủ động, chặt chẽ, đồng bộ.

2. Luật An ninh mạng ban hành có lợi ích gì?

- Luật An ninh mạng, tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trong thực tiễn, việc không quản lý được dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng quốc gia đã và đang ảnh hưởng tới lợi ích, an ninh quốc gia. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và tội phạm đang gia tăng việc sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong khi cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong điều tra, xác minh, truy tìm, xử lý các trường hợp vi phạm này vì toàn bộ dữ liệu đều được đặt ở nước ngoài.

- Tài khoản cá nhân sẽ được bảo vệ tốt hơn khi Luật An ninh mạng được ban hành. Không có việc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng kiểm soát toàn bộ thông tin người dùng mạng, mà chỉ có thể yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng và không được lạm quyền.

- Luật An ninh mạng phù hợp với thông lệ quốc tế, không cản trở hoạt động của doanh nghiệp, không cản trở Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, qua rà soát các văn bản cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS); Luật An ninh mạng ban hành không vi phạm các cam kết quốc tế. Hiện nay nhiều quốc gia đã ban hành Luật An ninh mạng.

3. Cần hiểu đúng mục đích, ý nghĩa việc ban hành Luật An ninh mạng

Trong tình hình hiện nay, việc Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết, trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý hợp lý của các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và nhân dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Luật An ninh mạng ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển đất nước, tập trung bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong công tác an ninh mạng liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Luật An ninh mạng không cấm sử dụng internet, không cấm mạng xã hội (Facebook, Youtube, Google, Zalo…) như thông tin xuyên tạc.

4. Những hành vi bị cấm trên không gian mạng Việt Nam khi luật có hiệu lực?

Cụ thể, nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng, các thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Nghiêm cấm đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

Nghiên cấm đăng tải các Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Nghiêm cấm đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.

Nghiên cấm đăng tải thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Nghiên cấm các hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng bao gồm: Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nghiêm cấm hành vi cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư; Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;

Nghiêm cấm hành vi cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại; Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.

Nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng,

Nghiêm cấm giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép.

Nghiêm cấm tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Các hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, luật An ninh mạng ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý nhằm hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng internet.

CHUYÊN ĐỀ 4: PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ TRONG HỌC ĐƯỜNG

Ma túy là gì?

Theo Liên Hợp quốc thì “ma tuý là chất hoá học có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức trí tuệ của con người, làm cho người bị lệ thuộc vào các chất đó, gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng. Do vậy, việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các chất đó phải được quy định chặt chẽ trong các văn bản Pháp luật và chịu sự kiểm soát của cơ quan bảo vệ Pháp luật".

Bộ luật Hình sự được quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21-12-1999, đã quy định các tội phạm về ma tuý. Theo đó, ma tuý bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, lá hoa-quả cây cần sa, lá cô ca, quả thuốc phiện khô, quả thuốc phiện tươi, hêrôin, côcain, Shisha, cỏ mỹ, bùa lưỡi, bóng cười, bùa ma thuật, các chất ma tuý khác ở thể lỏng, các chất ma tuý khác ở thể rắn…

Tác hại đối với sức khỏe :

Đối với hệ hô hấp: Các chất ma túy kích thích hô hấp gây tăng tần số thở trong thời gian ngắn, sau đó sẽ gây ức chế hô hấp, nhất là khi dùng quá liều. Nhiều trường hợp ngưng thở nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong, đôi khi ngưng thở rất đột ngột.

- Đối với hệ tim mạch: Các chất ma túy sẽ kích thích làm tăng nhịp tim, ảnh hưởng trực tiếp lên tim, gây co thắt mạch vành tạo nên cơn đau thắt ngực, nặng hơn có thể gây nhồi máu cơ tim. Chúng cũng là nguyên nhân của các rối loạn nhịp đe dọa tính mạng người dùng ma túy. Ngoài ra còn gây nên tình trạng co mạch làm tăng huyết áp.

- Đối với hệ thần kinh: Ngoài tác dụng kích thích thần kinh giai đoạn đầu gây hưng phấn, sảng khoái, lệ thuộc thuốc…, cũng có thể gây các tai biến như: co giật, xuất huyết dưới nhện, đột quị...

Ngoài ra, người dùng ma túy còn phải chịu những tác hại khác như: hoại tử tế bào gan, ảo thính, ảo thị...

Ảnh hưởng đến bản thân :

- Ma tuý làm huỷ hoại sức khoẻ, làm mất khả năng lao động, học tập, làm cho thần kinh người nghiện bị tổn hại. Dùng ma tuý quá liều có thể dẫn đến cái chết.

- Gây nghiện mạnh, sức khoẻ giảm sút.

- Thoái hoá nhân cách, rối loạn hành vi, lối sống buông thả, dễ vi phạm pháp luật.

- Mâu thuẫn và bất hoà với bạn bè, thầy cô giáo và gia đình.

- Mất lòng tin với mọi người, dễ bị người khác lợi dụng, học tập giảm sút hoặc bỏ học, ảnh hưởng đến tương lai tiền đồ, nếu đã có việc làm thì dễ bị mất việc làm.

Ảnh hưởng đến gia đình :

- Làm tiêu hao tiền bạc của bản thân và gia đình.

- Sức khoẻ các thành viên khác trong gia đình giảm sút (lo lắng, mặc cảm, ăn không ngon, ngủ không yên...vì trong gia đình có người nghiện)

- Gây tổn thất về tình cảm (thất vọng, buồn khổ, hạnh phúc gia đình tan vỡ, ly thân, ly hôn, con cái không ai chăm sóc...)

- Gia đình tốn thời gian, chi phí chăm sóc và điều trị các bệnh của người nghiện do ma tuý gây ra.

Ảnh hưởng đến xã hội :

- Gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội: Lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm...

- Ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Làm giảm sút sức lao động sản xuất trong xã hội. Tăng chi phí ngân sách xã hội cho các hoạt động ngăn ngừa, khắc phục, giải quyết các hậu quả do ma tuý đem lại.

Học sinh chúng ta làm gì để ngăn chặn và phòng ma túy ?

- Không tham gia sử dụng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

- Không xúi giục người khác tham gia vào tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác.

- Khi phát hiện những cá nhân, tổ chức có liên quan đến ma túy cần báo ngay cho Cơ quan Công An nơi gần nhất để kịp thời xử lí.

- Quan tâm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ những người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Không kì thị, xa lánh người cai nghiện.

- Tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra. Tìm hiểu về tác hại của ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, cộng đồng để có nhận thức đúng đắn về tác hại của ma túy. Từ đó, trong từng trường hợp cụ thể có thể tuyên truyền, vận động cho mọi người cùng phòng tránh ma túy.

Vì tương lai của bản thân và đất nước, ngay bây giờ mỗi học sinh hãy có những hiểu biết và hành động đúng đắn trong việc phòng chống ma túy.

          CHUYÊN ĐỀ 5: PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN BUÔN BÁN NGƯỜI

Thế nào là buôn bán người?

                      Buôn bán người là việc đưa người đến nơi khác trong nước hoặc ra nước ngoài thông qua việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay những hình thức ép buộc khác bằng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt, đe dọa, ép buộc, lợi dụng quyền hành, bắt cóc, xin con nuôi, môi giới hôn nhân trá hình… với mục đích bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục của các nạn nhân.

Đối tượng phạm tội buôn bán người chủ yếu là những đối tượng không nghề nghiệp hoặc buôn bán tự do qua lại biên giới, chủ chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm…

          Nạn nhân của tội phạm buôn bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng giáp biên giới. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số người, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp, hiểu biết hạn chế, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm, do ăn chơi, đua đòi và một số em gái mới lớn có tư tưởng muốn thoát ly khỏi công việc lao động nông nghiệp vất vả tại địa phương…. Bọn tội phạm đã lừa gạt, lôi kéo, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao để dụ dỗ, ép buộc, bán số phụ nữ, trẻ em này ra nước ngoài để trục lợi.

Ai là đối tượng bị buôn bán?

          Bất kỳ ai, nếu thiếu hiểu biết và mất cảnh giác, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. BBN có thể xảy ra trong nước hoặc ra nước ngoài, không chỉ có phụ nữ và trẻ em gái mà nam giới và trẻ em trai cũng có thể bị buôn bán.

          *PHỤ NỮ:

          - Phụ nữ nghèo, không có việc làm ổn định, có nhu cầu đi tìm việc làm;   

          - Phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, tin theo những lời hứa hẹn về việc làm ổn định, thu nhập cao.

- Phụ nữ sống trong gia đình có hoàn cảnh  hôn nhân éo le, trắc trở, gia đình không hòa thuận, bị bạo hành;

          - Phụ nữ sống buông thả, đua đòi, thích hưởng thụ, bị dụ dỗ đi du lịch, tham quan.

*TRẺ EM:

          - Trẻ em sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn, có bạo hành, thiếu sự quan tâm chăm sóc.

          - Trẻ em mồ côi, bỏ học, đi lang thang hoặc lao động sớm….

Những kẻ buôn bán người thường có thủ đoạn gì ?

          Kẻ buôn bán người có thể là người xa lạ, bạn bè hoặc người hàng xóm, thậm chí cả người thân. Những thủ đoạn của chúng thường là:

          - Hứa hẹn tìm việc làm nhàn hạ có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, giúp việc nhà (ở trong nước hoặc nước ngoài).

          - Lợi dụng việc xuất khẩu lao động để lừa đảo, hoặc đi du lịch ở nước ngoài.

- Rủ đi làm ăn xa, buôn bán gần biên giới, đi chơi xa rồi ép buộc, dọa dẫm, lấy giấy tờ tùy thân của nạn nhân để nạn nhân hoàn toàn bị lệ thuộc.

          - Môi giới hôn nhân với người nước ngoài.

          - Mua chuộc bằng cách giúp đỡ tiền bạc rồi ràng buộc vào cảnh nợ nần, bắt nạn nhân phải phụ thuộc vào chúng.

          - Thông qua việc nhận con nuôi rồi mang bán.

- Đóng giả làm người tình, đưa đi chơi, đi làm ăn rồi mang bán.

          -  Bắt cóc, ép buộc, cưỡng bức, cho uống thuốc mê với người lớn và cho quà bánh, đồ chơi đối với trẻ em. Đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, qua nhiều nơi để không nhớ được đường.

          - Làm quen qua mạng Internet và điện thoại để lừa bán.

CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI SAU KHI BỊ BUÔN BÁN.

          * TRONG NƯỚC:

          - Bị bóc lột sức lao động.

          - Bị bán vào các ổ mại dâm.

          * RA NƯỚC NGOÀI:

          - Lấy chồng già, tật nguyền, nghèo, ở cùng sâu, vùng xa.

          - Phải sống chung với người mà mình không yêu, trở thành người hầu hạ. Phải phục vụ tình dục cho nhiều người trong gia đình họ.

- Bị đưa vào làm trong nhà chứa, làm mại dâm.

          - Ép buộc phải làm việc, bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập.

          - Sức khỏe suy giảm, mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây qua đường tình dục và HIV/ AIDS.

          - Bị truy đuổi và xử phạt vì cư trú trái phép.

          - Sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi, bị cấm liên lạc với gia đình, người thân và ít có cơ hội được trở về nhà.

Phụ nữ và trẻ em làm gì để tự bảo vệ mình?

          - Nên biết rằng  thậm chí người thân trong gia đình và bạn bè cũng có thể lừa gạt bạn để đưa bạn vào làm một công việc nặng nhọc trái với ý muốn ở trong nước hoặc nước ngoài.

          - Nên biết rằng chủ lao động có thể không giữ đúng cam kết về tiền lương và điều kiện làm việc

          - Không nên cho con đi làm xa gia đình khi con chưa đủ 18 tuổi.

- Tham khảo ý kiến của mọi người, thông báo cho gia đình biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi đi xa. Tìm hiểu kỹ về nơi mà bạn sẽ đến làm việc, công việc phải làm, điều kiện làm việc, thời gian, tiền công….

          - Thông báo địa chỉ, số điện thoại cho gia đình khi có thay đổi chỗ ở, nơi làm việc và giữ liên lạc thường xuyên với gia đình.

          - Tuyên truyền cho những người xung quanh biết và cảnh giác với nạn buôn bán người.

Buôn bán người được xếp vào loại tội ác chống lại con người, bởi nó xâm phạm nghiêm trọng tới quyền con người, trong đó có những quyền cơ bản nhất như quyền tự do đi lại, quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, quyền lao động…Tệ nạn buôn bán người  đang là vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đời sống của nhiều gia đình, đạo đức xã hội. Hậu quả của nạn buôn bán người đối với nạn nhân và gia đình nói riêng, đối với xã hội nói chung rất nặng nề.


Tác giả: Trường Tiểu học Cẩm Xá
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết