TẠI SAO CẦN DẠY PHÂN HOÁ? XIN ĐỪNG BẮT CÁ NÓ TRÈO CÂY!
TẠI SAO CẦN DẠY PHÂN HOÁ? XIN ĐỪNG BẮT CÁ NÓ TRÈO CÂY!
Đã có thời chỉ những học sinh giỏi các môn cơ bản như Toán, Văn học, ngoại ngữ mới được coi là thông minh, tài giỏi. Nhiều học sinh bi quan chán nản, do các em đã bị người thân hoặc thầy cô vô tình dán nhãn tiêu cực là yếu kém khi học tập chưa đạt điểm cao.
Tuy vậy quan niệm này không phù hợp, bởi có những học sinh giỏi văn nghệ, vận động,… sau này đã trở thành những người rất thành công trong xã hội như các nghệ sĩ piano, những cầu thủ bóng đá,…
Một tin tuyệt vời là: mỗi người đều có sẵn cả tám loại hình thông minh!
I. Thuyết Đa trí tuệ (trí thông minh đa dạng) được Giáo sư Tâm lý học Howard Gardner của đại học Harvard giới thiệu lần đầu trong quyển “Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences”. Ông phản bác quan niệm truyền thống về khái niệm thông minh, vốn được đồng nhất và đánh giá dựa theo các bài trắc nghiệm IQ. Ông cho rằng khái niệm này chưa phản ánh đầy đủ khả năng tri thức đa dạng của con người.
Ông đã chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh trong số 8 loại: ngôn ngữ, lôgic/toán học, âm nhạc, không gian, vận động cơ thể, giao tiếp (tương tác cá nhân), nội tâm (hướng nội), thiên nhiên (tự nhiên học). Tuy nhiên, ứng với mỗi cá nhân sẽ có những loại trí thông minh vượt trội hơn các trí thông minh còn lại.
Thuyết Đa trí tuệ cho rằng, mỗi cá nhân hầu như đều đạt đến một mức độ nào đó ở từng “phạm trù thông minh” khác nhau. Đặc biệt, mức độ này không phải là “hằng số” trong suốt cuộc đời của mỗi người mà có thể sẽ thay đổi (tăng hay giảm) tùy vào sự trau dồi của mỗi cá nhân.
Theo Howard Gardner, trí thông minh đa dạng cho thấy mỗi con người có khả năng biểu đạt tri thức của mình theo 8 cách khác nhau và học theo cách tốt nhất như thế nào.
II. Vận dụng thuyết ĐA TRÍ TUỆ trong dạy học: Giáo viên cần coi trọng sự đa dạng về trí tuệ ở mỗi học sinh, mỗi loại trí tuệ đều quan trọng và mỗi học sinh đều có ít nhiều khả năng theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh phải là nơi giúp đỡ, khơi gợi tiềm năng, tạo điều kiện học tập theo các hướng khác nhau cho các chủ nhân tương lai của xã hội.
Về phương pháp dạy học: Thuyết đa trí tuệ giúp giáo viên cách suy ngẫm, chọn lựa phương pháp dạy học sao cho hay nhất và phù hợp nhất với bản thân họ và họ hiểu thấu đáo vì sao phương pháp đó là hiệu quả hoặc chỉ hiệu quả với học sinh này mà không hiệu quả với học sinh kia.
Thuyết này cũng giúp GV áp dụng linh hoạt hơn các phương pháp dạy học và kĩ năng sử dụng các tài liệu, các thiết bị dạy học đa dạng hơn, phong phú hơn. GV trong lớp học đa trí tuệ khác với trong lớp học truyền thống ngôn ngữ hoặc lôgic-toán học. Trong lớp học đa trí tuệ, GV phải linh hoạt thay đổi phương pháp và khéo léo chuyển từ lối dạy ngôn ngữ sang lối dạy không gian rồi lối dạy âm nhạc hay vận động, giao tiếp,…
Về môi trường lớp học đa trí tuệ: cần phải được thiết kế, bố trí, sắp xếp để phù hợp với nhu cầu của nhiều loại trí tuệ khác nhau ở học sinh. Ứng với mỗi loại trí tuệ, cần đặt một số câu hỏi theo gợi ý sau: Từ ngữ dùng trong lớp học đã phù hợp với học sinh chưa? Học sinh được tiếp xúc với chữ viết như thế nào? (Ngôn ngữ); Thời gian biểu đã phù hợp với học sinh chưa (logic/toán học); Bàn ghế, các thiết bị dạy học trong lớp bố trí hợp lí chưa?
Có thuận tiện cho hoạt động thực nghiệm (như sử dụng phương pháp bàn tay nặn bột, hay học nhóm, vẽ bản đồ tư duy,…) hay chỉ kê bàn ghế theo một kiểu, một dãy bàn thẳng từ trên xuống dưới? Trang trí lớp học như thế nào? Trần, tường, ánh sáng như thế nào? Học sinh có được chiêm ngưỡng trang trí đẹp mắt, thân thiện không, có tranh ảnh, hội họa không? Hay chỉ là mảng tường trống, phòng học trống không?,… Dạy học Dự Án là một trong cách có thể giúp các em phát triển các năng lực hiệu quả nhất! Tôi đã làm dự án " Tiến bước lên Đoàn" ở đó các con được phát huy sở trường theo các thế mạnh: góc video, góc vẽ trang và sưu tầm ảnh, góc trải nghiệm, đóng kịch, góc phỏng vấn!
Vận dụng thuyết đa trí tuệ trong dạy học, giúp giáo viên đổi mới cách dạy, cách nhìn nhận, đánh giá học sinh, tránh việc dán nhãn mác yếu kém cho những học sinh chưa giỏi toán, giỏi văn, giúp các em tự tin hơn và có cách học phù hợp nhất, hiệu quả nhất với khả năng nổi trội của mình, qua đó hiệu quả giáo dục được nâng cao.
Vận dụng thuyết đa trí tuệ cũng giúp cha mẹ học sinh tránh áp lực về điểm số, chú ý tới giáo dục toàn diện và khích lệ con em mình trong học tập, rèn luyện và định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với sở trường, khả năng của mỗi em.
Hàng ngày mỗi chúng ta đều sử dụng tám loại hình thông minh nhưng cách thể hiện hoàn toàn khác nhau. Mỗi chúng ta là một bài hát được viết nên từ 8 nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si, Đô. Cách chúng ta kết nối các nốt nhạc rất khác biệt nên không có bài hát nào giống nhau hoàn toàn. Khi sử dụng tất cả các loại hình trí thông minh theo cách của riêng mình, mỗi người sẽ góp vào thế giới một giai điệu riêng biệt mà không ai có thể tạo ra.
III. Giảng dạy đa trí tuệ trong thời đại công nghệ 4.0
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các lớp học đa trí tuệ càng có điều kiện tốt hơn khi tổ chức các hoạt động cho học sinh như: Tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, thật sự dạy theo hướng phát triển năng lực cho học sinh. Định hướng cho học sinh để các con được phát huy thế mạnh những ưu thế có sẵn và thúc đẩy những góc còn hạn chế!
Bài giảng conferencing, giao lưu trực tuyến với các học sinh nước ngoài. Dạy học qua các phần mềm Skapy, Near pod, Ktoot.....
Các thiết bị nghe nhìn hiện đại
Học với robot thông minh
Học tập với phần mềm
Tablet thay cho sách vở,… IV. Vai trò của giáo viên trong thời 4.0 Có nhà sư phạm của Nga đã nói: Cho dù công nghệ thay đổi thế nào thì không bao giờ thay thế đc giáo viên! Vậy thời 4.0 nếu giáo viên ta không theo kịp xu thế thì ta đã tự đánh mất vị thế. Các thiết bị dạy học đã thay chúng ta, vậy thì vai trò của ta ở đâu? Xin thưa, chính mỗi chúng ta là người tổ chức, truyền cảm hứng, tạo sân chơi và trong quá trình làm và học sinh trải nghiệm, ta biết từng em cần phát triển điều gì, ta điều chỉnh. Dạy học rất linh hoạt, dạy học chỉ thật sự hiệu quả khi tác động vào trái tim người học! Chắc chắn đâu là lý do để nghề của chúng ta có giá trị. Và chỉ khi chúng ta làm chủ công nghệ thì mới thực sự là sự CỘNG HƯỞNG SỨC MẠNH GIÁO DỤC TOÀN DIỆN.
Nguồn : Sưu tầm